Mục Lục
HỒ SƠ CẦN CÓ KHI CƠ QUAN THUẾ CÓ CÔNG VĂN KIỂM TRA THUẾ GTGT
Với mong muốn phần nào giúp các chủ Doanh nghiệp, kế toán có cái nhìn tổng quan về việc chuẩn bị cho công tác kiểm tra thuế, tôi xin chia sẻ một số hồ sơ DN nên chuẩn bị nếu cơ quan thuế có công văn kiểm tra thuế.
Kiểm tra, thanh tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế, đối với các hoạt động giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế. Chấp hành nghĩa vụ nộp thuế nhằm đảm bảo pháp luật thuế được thực hiện nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế – xã hội.
Kiểm tra thuế là công việc thường xuyên, mang tính nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế được thực hiện ngay tại trụ sở cơ quan quản lý thuế dựa trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Việc kiểm tra thuế được thực hiện tại trụ sở của người nộp thuế, chỉ thực hiện khi người nộp thuế không tự giác sửa đổi, bổ sung những nội dung sai sót mà cơ quan thuế đã kiểm tra, phát hiện và yêu cầu. Nội dung kiểm tra thuế là kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ thuế nhằm đánh giá sự tuân thuế của người nộp thuế trong việc kê khai thuế.
Hiện nay, Khi cơ quan thuế có Công văn kiểm tra Thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
a) Kiểm tra về thuế suất:
Tổng hợp doanh thu theo từng mặt hàng, lĩnh vực hoạt động, dự án xác định hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, chịu thuế 0%, 5% và 10%.
Đối chiếu với các căn cứ quy định để xác định đúng thuế suất thuế GTGT.
Vậy Doanh nghiệp cần lập Bảng kê theo từng loại thuế suất thuế GTGT các mặt hàng, dịch vụ => đã kê khai thuế trong kỳ
b) Kiểm tra về doanh thu tính thuế GTGT:
Đối chiếu doanh thu kê khai thuế GTGT, doanh thu kê khai thuế TNDN để xác định chênh lệch có gắn với các hành vi về kê khai thiếu thuế GTGT hoặc kê khai thiếu thuế TNDN hay không?
Vậy, các DN cần lập Bảng đối chiếu giữa doanh thu kê khai thuế GTGT và thuế TNDN, giải trình rõ lý do chênh lệch.
c. Kiểm tra Thời điểm lập hóa đơn GTGT
Với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì thời điểm ghi nhận doanh thu khác nhau được quy định tại Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC
Ví dụ: Đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Để kiểm tra nội dung này, cơ quan thuế sẽ kiểm tra chọn mẫu các trường hợp lập hóa đơn GTGT trong năm khai thuế.
e. Kiểm tra điều kiện và nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào
Kiểm tra điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào: Hàng hóa, dịch vụ mua vào trên 20trđ phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Kiểm tra, phát hiện hàng hóa thuộc mặt hàng tiêu dùng qua đối chiếu bảng kê hóa đơn hàng hóa mua vào và bảng kê hóa đơn hàng hóa bán ra hoặc hàng hóa mua vào không thuộc danh mục vật tư, NVL phục vụ sản xuất của DN.
Tham chiếu đến phần kiểm tra hàng tồn kho, kiểm tra TSCĐ và kiểm tra chi phí để xác định số thuế GTGT được khấu trừ.
Kiểm tra việc xác định thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT phân bổ theo tỷ lệ % giữa doanh số chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra.
Để kiểm tra nội dung này, cơ quan thuế sẽ kiếm tra thông quan các chứng từ gốc, sổ sách kế toán, tờ khai thuế, Báo cáo tài chính đã nộp cơ quan thuế của DN.
Trên đây là một số gợi ý nhỏ, tuy chưa dầy đủ nhưng mong rằng, phần nào giúp các chủ Doanh nghiệp, kế toán có cái nhìn tổng quan về việc chuẩn bị cho công tác thanh kiểm tra thuế.
Tác giả: Hồng Trang